Sunday, November 6, 2016

Cám ơn. David. - Nhật Tân PBC72

Bà Kate lui cui tìm chìa khóa. Một tay cầm hộp bánh King cake, tay kia thò sâu trong túi xách. Cái túi da mầu nâu đeo trên vai như nghiêng hẳn một bên với lỉnh kỉnh giấy tờ, bánh kẹo mang về từ lớp học. Khó khăn lắm, ngón tay của bà mới chạm trúng hơi lạnh của chùm chìa khóa.  Ổ khóa đã cũ, mỗi khi mở, phải xoay mạnh tới hai lần. Tay bà càng ngày càng yếu, lóng cóng vụng về, đôi khi cầm đâu tuột đó, nên mỗi khi mở cửa nhà, bà lại giận thằng James. Cuối tuần dẫn vợ con về , à ới má má con con là chúi đầu coi phim, ăn uống chơi game, sau khi bày một nhà chén bát.( Con vợ nó cũng tệ, không hề muốn lê la cạnh bồn rửa chén vì sợ gãy móng tay giả đắp bột dài thượt của nó) Thằng James, chơi chán chê rồi leo lên xe, chở vợ con dông mất. Nó không hề nhớ coi lại ổ khóa cho bà.
Nó làm biếng nhưng khéo nói, nên trước sau, bà chưa thể, hoặc không muốn cằn nhằn thêm.  Dù sao, bà vẫn thích nghe tiếng con cháu chạy nhảy, la hét inh ỏi vào cuối tuần hơn là cùng con mèo ngồi sưởi nắng trước thềm, rồi thấp thỏm dỏng tai chờ nghe tiếng xe máy nổ xình xịch trước sân.
Càng về già, người ta càng nhỏ bé trước con cái.
Con mèo nhảy xổ tới, âu yếm liếm giầy của bà. Nó là sinh vật duy nhất trong nhà thật sự mừng rỡ khi bà về tới nhà. Hơi khó nhọc khi cúi xuống, bà ve vuốt bộ lông mượt mà của nó. Bà ôm nó lâu hơn thường lệ và tận hưởng một cách thích thú, cảm giác ấm áp từ thân thể mềm mại đang cựa quậy trong tay.
“Thế nào, Cola. Chắc mày đói rồi. Lại đây nào con.”
Bà vừa mở hộp thức ăn cho mèo, vừa lẩm bẩm.” Mày phải diet thôi. Mày mập quá rồi. “ Nghĩ đến gian hàng thức ăn ở chợ Pet Mart, bà chưa biết chọn loại diet nào, nhiều loại quá, cái nào cũng quảng cáo bắt mắt, nhưng chưa chắc con Cola  thích thú. Nó kén chọn thức ăn. Đánh hơi thức ăn mới, nó thường ngọ nguậy cái mõm hồng hồng rồi ỏng ẹo làm bộ bỏ đi. Mua xong, có khi lại mất công năn nỉ thằng James mang đổi dùm. 
Nhưng lạ lắm. Con vợ nó ghét mèo một cách ngạc nhiên.
Xong xuôi phần mèo, bà xoa tay quay sang nhìn hộp King cake. Ánh sáng từ ngọn đèn bóng nhỏ, chiếu xuống mặt bàn trải khăn trắng những đốm hoa văn mầu tím nhạt mang vẻ buồn buồn lẫn ảm đạm, như chính bản thân nó muốn nghỉ ngơi sau khi làm việc quá nhiều năm. Trên bàn, duy nhất một bộ đĩa ăn, một chùm nho và vài quả táo lọt thỏm trong đĩa trái cây. Ăn trưa ở trường học nên buổi tối, thường bà chỉ hâm lại soup khoai tây hoặc gumbo cùng vài lát sandwich mỏng.
Bà xê dịch hộp bánh ngay ngắn vào chính giữa bàn. Ngọn đèn như sáng hơn và đốm hoa văn khi nãy biến mất. Ánh sáng từ nền hoa tím vạch những nét ngoằn nghèo vui mắt như con cờ điện tử. Một vài vệt lốm đốm nâu sậm chạy theo mép bàn và bà tự hỏi. Có phải vết dầu hay đại loại thức ăn nào đó, hoặc đám con thằng James bôi quẹt lên bàn , hay là thằng James không chừng. Thằng đó, chẳng thà bôi tay bẩn dưới mép gầm bàn còn hơn phải với tay lấy miếng napkin. 
Vậy mà làm bố của hai đứa nhóc cơ đấy
Bà ngước mắt .Trên tường đối diện bàn ăn, ông John đang nhìn bà. Trong ảnh , mắt ông lấp lánh với miệng cười hóm hỉnh , sống động như ông chưa hề rời khỏi , hệt như ông vẫn đang tồn tại trong căn nhà mà họ đã có cùng nhau những tháng năm hạnh phúc. Kia, ông đang cười, mắt hấp háy theo thói quen: " Ăn vậy thôi à , bà nó ơi"
."Ông ăn bánh nhé. King cake mùi quế mà ông thích đấy" Bà thầm thì.

Cái bánh mới hấp dẫn làm sao. Lớp mặt bánh phủ mầu xanh lá cây non chạy viền cam hồng phơn phớt đỏ. Người ta còn vẩy thêm một lớp nhũ kem nhìn óng ánh như kim tuyến.
Đường kem dày, mỏng, nở đầy đặn, là những cánh hoa xếp xen kẻ với lá dương xỉ. Cái bánh tròn trịa , duyên dáng đến nổi bà không nỡ cắt rời ."Nhìn ngon quá. Ông John nhỉ. Tôi phải để dành cho vợ chồng thằng James, cuối tuần nầy con bé Bailey cũng về. Dạo nầy con bé mập hơn, ông ạ. Đáng ra nó không được ăn bánh ngọt, mẹ nó phải lo diet cho nó,nhưng khổ nỗi, càng lớn nhìn càng giống con vợ thằng James, như một khuôn đúc ra ấy, chỉ thích phát triển bề ngang..Khổ thân con bé.. Nhưng mà..một miếng bánh nhỏ chắc không đến nỗi..” Bà ngẫm nghĩ " Nào, chàng trai. Ông muốn thử một miếng không? " 
Bà vừa độc thoại với ông vừa đi về phía bếp tìm dao.
Không thấy dao ở hộc tủ ngang tầm tay, bà mầy mò bên phải, bên trái rồi mở cánh tủ trên cao "Tôi vẫn để đám dao ở đây kia mà. Chắc tụi nhỏ mang vất đâu rồi. " Bà khom lưng kéo lê chiếc ghế về phía giàn bếp "Ông biết mà, hai chân của tôi là một trở ngại lớn. Mỗi năm  mỗi đau nhức nhiều hơn. Khi đến tuổi già, cái bịnh phong thấp hình như không chừa ai.. Mỗi ngày, tôi phải nốc quá nhiều thuốc. Tôi chán lão bác sĩ Grey với cái phòng mạch lúc nào cũng nhai đi nhai lại bài hát “ You’re so beautiful..” Beutiful gì chứ ? Có những bài hát khi mình già đi, âm điệu nó trở nên vô duyên khủng khiếp ông ạ. Vậy mà lão Grey nghe mỗi ngày không chán. Tôi chắc chắn tai lão ấy có vấn đề lớn. Ông John, tôi e là mình không thể tiếp tục đi dạy hoc nữa"
Bà mệt mỏi ngồi dựa vào bếp,
đưa  bàn tay phải bóp qua tay trái, từ cườm tay dần lên vai. Nhìn lớp da nổi gân xanh nhăn nheo, bà tiếp tục lẩm bẩm với ông "Nhưng nếu không tìm việc gì đó để giết thời gian, chắc tôi sẽ chết dần chết mòn trong căn nhà nầy mất thôi.Tôi biết, mình đã bắt đầu lẩm cẩm, nói nhiều, không đầu không đuôi, chắc ông chán lắm, nhưng nếu tôi không than thở với ông thì tôi biết nói cùng ai. Ông biết đấy, ông John, tôi đã quá già để phải đi làm. Tôi đã bảy mươi lăm rồi. Ông có nhớ tôi đã bảy mươi lăm rồi không ?
Nghĩ xem, nếu tôi phải ở nhà suốt ngày với con Cola , chắc tôi chết khô mà chẳng ai biết "
Bà phẩy tay " Ông là lão già hư đốn. Ông chẳng biết gì hết"
Bà cho con mèo vài muỗng canh soup và hài lòng khi nó meo meo muốn đòi ăn. Cái mũi nó mới ngộ nghĩnh làm sao. Mắt xinh chẳng kém. Đen thui, tròn xoe, ranh mãnh. Lúc ông mất thì Cola còn bé xíu nên chắc gì còn nhớ ông. Không riêng gì nó, những người bạn thân thiết của ông dường như cũng đã quên ông. Người già, nếu không thường nhớ về quá khứ thì chỉ nhớ những điều vặt vãnh. Và khi đến giai đoạn vào Nursing home thì ký ức chắc sẽ thu nhỏ chỉ bằng hạt đậu. Hạt đậu giữa bốn bức tường và một chút xíu khoảng sáng từ cửa sổ.” “Không biết khi nào tôi gặp ông, và gặp ông bằng cách nào. Tôi luôn tự hỏi mình như vậy. Đôi khi , thú thật có chút sợ hãi. Ông john. Nhưng tôi thà ở một mình còn hơn rúm ró trong bốn bức tường chút xíu ánh sáng giam hãm cái hạt đậu ấy.’
Bà cầm túi xách đi lại gần tấm hình của ông, nhìn ông cười vẻ bí hiểm.
"Quà đặc biệt của tôi đấy, ông John" Bà lôi ra một cái khăn choàng cổ bằng len mới tinh, đường len sắc sảo mầu đỏ đậm phơn phớt chỉ hồng. Nét hoa văn cầu kỳ ở đầu khăn mà bà quả quyết , phải có bàn tay cực kỳ khéo léo mới có thể dệt được như vậy" Ông John, ông đã từng thấy cái khăn nào đẹp như vậy chưa " Bà ướm vào cổ "Đẹp quá, ông John nhỉ, của David tặng tôi đấy". " Ông hỏi David là ai à. Không phải cái lão David sửa xe mà mặt mũi lúc nào cũng cau có như vỏ xì lốp đâu nhé. Chàng trai nầy là bạn cùng trường với tôi ấy mà "
Bà nghĩ ngợi. Nói sao nhỉ...

Đó là người đàn ông Á châu, chuyển về công tác ở trường bà gần hai năm nay. David là người bạn nhỏ, thân, rất thân với bà. Bà có thiện cảm với anh ngay từ ngày đầu tiên khi bà gặp anh ở văn phòng. " Tôi họ Nguyễn, nhưng bà có thể gọi tôi là David, tôi dùng nick name này để mọi người dễ dàng gọi trong công việc”
 Anh khiêm tốn, chân thật và đáng tin cậy. Không riêng bà, giáo viên ở trường ai cũng yêu quí anh. Bà thương cái dáng lầm lũi của anh khi băng qua dãy hành lang dài, thương cái giọng nói vừa chậm rãi vừa từ tốn. Anh có thể kiên nhẫn nghe bà kể chuyện đầu cua tai nheo mà ở trường , bà vốn là người thích kể lể. " David hồi ở Việt nam cũng đi lính như ông đấy, ông John”.

Ông John đi lính Mỹ qua Việt nam từ thập niên bảy mươi , nhưng chỉ hai năm sau, ông được giải ngũ vì bị thương.
Ông ít khi kể cho bà nghe về cuộc chiến ông đã trải qua, 
Hầu như ông không hề nhắc về khoảng thời gian ở Việt nam, và có vẻ như ông không hãnh diện vì mình từng góp phần cùng nước Mỹ, một cách gián tiếp bảo vệ lý tưởng tự do cho các nước đồng minh. Có một cái gì lấn cấn trong cuộc chiến tranh đó. Sự bỏ chạy của quân đội Hoa kỳ, sự tính toán hơn thiệt trong chính quyền và họ bắt tay nhau để bọn Bắc việt chiếm miền Nam ? Bà không biết nhiều về cuộc chiến đã xảy ra, nhưng bà đoan chắc một điều, đất nước của David, những đồng bào chiến hữu của anh xứng đáng phải được bảo vệ, giúp đỡ, qua tư cách của anh
.
“Ông đánh nhau với Cộng sản nhưng ông có biết chúng tàn ác như thế nào không . Cái bọn miền Bắc ấy." Ngón tay của bà ve vuốt tấm ảnh của ông " Không giống như Civil War của mình đâu ông ạ. Khi Nam quân thua Bắc quân, hai bên, dù đối lập nhau về đường lối, và vô số những hậu quả sau chiến tranh, nhưng tựu chung, chúng ta vẫn ngồi lại tìm cách hàn gắn, tìm tiếng nói chung để cùng phát triển đất nước. Còn bọn Cộng sản, khi chiếm miền Nam, ngoài việc vơ vét của cải, phá hoại những công trình kiến trúc ở miền Nam, chúng bắt tất cả quân nhân miền Nam đi ở tù, hành hạ dã man để họ chết dần chết mòn bởi bịnh tật, đói khát. Còn những người dân, họ chết nhiều vô kể trên đường chạy trốn. Đó là tội ác man rợ trong chiến tranh đấy, ông ạ."
Bà choàng chiếc khăn quanh cổ. Mùi len mới thơm nhẹ thoáng qua mũi thật dễ chịu. Chiếc khăn mầu đỏ làm gương mặt bà như sáng hơn, bớt ủ dột hơn. Bà nhớ khi chiều, khi cầm chiếc khăn, David dặn bà phải nhớ choàng khăn khi ra đường, nhất là những ngày khí hậu đột ngột thay đổi." Bà đã lớn tuổi rồi, rất dễ ốm " Khi bàn tay anh ân cần vỗ nhè nhẹ sau lưng, sóng mũi bà cay cay, Có điều gì êm ả chợt chảy qua huyết quản, đó là sự chăm sóc thân tình mà rất lâu bà không nhận được từ người nào khác, ngoài người chồng quá cố.

Khi ta già đi, những giây thần kinh cảm giác trở nên nhạy bén hơn, yếu đuối hơn, nhất là khi ta quá cô đơn .
Mỗi chiều, ở chỗ chờ xe bus đón học sinh, bà thường chuyện trò cùng anh. Và cũng mỗi ngày một ít, bà biết thêm nhiều về chiến tranh Việt nam, về cuộc sống của anh. “ Bà hỏi tôi có thích nước Mỹ không ư? Nếu trả lời thành thật , tôi có thể nói rằng, tôi không thích ở đây. Mặc dù chúng tôi luôn cám ơn nước Mỹ đã cho chúng tôi cơ hội tạo dựng một đời sống mới, các con tôi được học hành trong môi trường tốt nhất, và quan trọng hơn, đó là tự do. Tự do là lý tưởng mà chúng tôi đã chiến đấu, đã hy sinh  để bảo vệ nó. Nhưng chúng tôi  đã thua cuộc. Đau xót lắm, bà ạ. Ai cũng có một quê hương để nhớ, tôi cũng vậy, nhưng chúng tôi thật sự đã mất quê hương từ năm 1975 "
"Vậy, khi Cộng sản sụp đổ, anh có về lại Việt nam không ?"

“Chắc chắn rồi. Chúng tôi ai cũng khao khát điều đó, nhưng, chắc đời của chúng tôi không kịp về đâu, bà ạ"

Bà thấy hình ảnh gia đình của anh, vợ con anh quây quần bên lò sưởi mở quà Giáng sinh. Những ngọn lửa ấm áp nhảy múa trong đôi mắt của họ. Lửa chan chứa yêu thương. Quen biết David. Căn cứ mầu da và ánh mắt , bà có thể phân biệt người Tầu, người Phillipin, người Korea, người Japan, bà biết thêm về đời sống của những người tị nạn, những khó khăn của họ trong thời gian đầu định cư tại Hoa kỳ. Họ làm lại từ đầu bằng nghị lực và nhẫn nại. Như con kiến mỗi ngày cặm cụi tha thức ăn về tổ, tích lũy dần cho đàn kiến con..  “Nhưng ông John à, đa số họ thành công, bởi vì họ có một nền giáo dục gia đình rất tốt, đáng để mình học hỏi"
David cho bà coi những tấm hình mà bạn của anh về Việt nam vào tận trong những miền núi phát thực phẩm, thức ăn cho trẻ nhỏ. Những đứa trẻ măt mũi lem luốc, chân gầy nhom đen đủi , quanh đời đi chân đất. Những đứa trẻ suốt đời chỉ quanh quẩn trong vùng núi non lạnh lẽo mà chắc chưa hề có khái niệm gi về tương lai phía trước.
Bà không thể tưởng tượng đâu đó ngoài thế giới bà đang sống có những phận đời sống khốn khổ như vậy.
Ở đây, ngay chính ngôi trường bà đang dạy, thừa mứa thức ăn, cuối bữa, bánh mì, sữa, trái cây, kem, chuối..bọn học trò bỏ lại la liệt, chất đầy bốn, năm thùng rác to mà chỉ có sức đàn ông mới kéo nỗi. Số lượng thức ăn vất đi đó, có thể nuôi sống hàng bao nhiêu kẻ đói khổ "Thế đấy, ông John ạ, rồi Chúa sẽ phạt chúng ta cho xem"
Con mèo nhảy thót vào lòng bà, cạ mõm nũng nịu như tìm hơi ấm từ những ngón  tay già nua  "Ngoan nào, Cola. Tao đang nghĩ, có nên để dành bánh cho thằng James hay tao ăn trước một miếng đây."

Và nhìn ảnh của ông bà nháy mắt " Ông nghĩ sao, ông John, một miếng nhé"
Bà nhẹ nhàng mở hộp. Cái bánh King cake mầu xanh lá cây với mùi  hương quế nằm gọn ghẽ trước mắt . Cái bánh đầu tiên bà nhận được của người bạn nhỏ đến từ vùng châu Á nào xa lơ xa lắc mà trước giờ bà không hề quan tâm đến. Nó chỉ như một điểm trên bản đồ rộng lớn, một cái dấu phẩy mờ nhạt lẻ loi trong hàng triệu cái chấm khác khi ta nhìn qua quả địa cầu. Bây giờ, bà đã biết cái dấp phẩy ấy nằm ở vĩ độ, trung độ nào. Nó cong queo, gầy nhom, teo tóp, như một người ốm o đang lặc lè è cổ gánh lấy một dãy đất đồ sộ Trung hoa phía trên. Nó được bao bọc bởi bao la đại dương. Bà cảm thấy gần gũi đất nước nhỏ bé khốn khổ kia như yêu mến chính người bạn nhỏ Á châu, có trái tim chân thật, vô vàn tử tế. 
Bà từ tốn cắt bánh. Khéo léo đặt ra đĩa miếng bánh nhỏ hình tam giác , miếng bánh huơng quế nâu viền xanh đậm lá hớn hở với  lớp nhân giữa đậu xanh ứa mật vàng óng.
Bà thì thầm " Mời ông. John" Và dịu dàng " Cám ơn. David"
 


Thursday, June 30, 2016

Mưa Cầm, Gió Bắt, Thép Đợi, Gang Chờ - Hoàng Hải Thủy

 Nữ nghệ sĩ Hồ Điệp
 
Một người trong số những nghệ sĩ của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa từ trần sau Ngày 30 Tháng Tư 1975 ít được người đời nhắc đến nhất là Nữ Nghệ Sĩ Hồ Ðiệp, giọng ngâm Thơ tuyệt vời của Ban Thi Văn Tao Ðàn, Ðài Phát Thanh Quốc Gia VNCH.
Không phải vì vô tình mà người ta không nhớ, không thương những người đã khuất như Nữ nghệ sĩ Hồ Ðiệp. Trong những năm u ám sau 1975 người Sài Gòn chết thảm quá nhiều, người chết trong tù ngục công sản, người chết trên biển, người chết trong rừng, nhìn đâu cũng thấy tang tóc, đau thương, những người chưa chết thần hồn và trái tim tan nát, họ thấy cuộc sống của họ không biết còn mất lúc nào, người ta không còn tinh thần để nhớ, để thương những người mất tích.
Nữ nghệ sĩ Hồ Ðiệp đi vượt biên đêm nào, tháng nào, năm nào? Chắc chỉ có thân nhân của bà được biết. Nữ nghệ sĩ đi và mất tích. Thân xác Hồ Ðiệp từ lâu rồi nằm dươi đáy biển Ðông. Sáng nay, một sáng Tháng Bẩy ở Xứ Người, tôi trái tim sầu muộn, tưởng nhớ những văn nghệ sĩ Sài Gòn đã giã từ dương thế kể từ sau Ngày Oan Nghiệt 30 Tháng Tư 75. Người Thứ Nhất tôi tưởng nhớ hôm nay là Nữ Nghệ Sĩ Hồ Ðiệp.
Năm 1960 yên bình trong một cuộc họp mặt của một số văn nghệ sĩ ở Sài Gòn, có Vũ Hoàng Chương, Hồ Ðiệp, Mặc Thu. Trước năm 1954, ở Hà Nội, Nhà Văn Mặc Thu viết hai tác phẩm “Gang Thép Ðợi Chờ” và “Bát Cơm, Bát Máu.” Thi bá Vũ Hoàng Chương làm hai câu Thơ tặng Hồ Ðiệp, Mặc Thu;

Mưa cầm, gió bắt thương Hồ Ðiệp.
Thép đợi, gang chờ xót Mặc Thu.

Hôm nay 50 năm sau buổi chiều xưa Thi bá làm hai câu “Mưa cầm, gió bắt, thép đợi, gang chờ..,” tôi, kẻ mất nước sống buồn những ngày thừa ở xứ người, tôi, cánh bướm già sống sót qua cuộc mưa cầm, gió bắt dài đến 20 mùa lá đổ ở Sài Gòn, tôi không có thép, có gang gì cả mà nếu có thì cũng không thép đợi, gang chờ mà thép mòn, gang rỉ, nhớ những ngày xưa và những người nay không còn nữa, cảm khái tôi tiếp hai câu của Thi bá, làm thành:

Mưa cầm, gió bắt thương Hồ Ðiệp.
Thép đợi, gang chờ xót Mặc Thu.
Ðiệp bay ra biển sương mù,
Có về đâu nữa, đất Hồ ngàn năm!
—–

lexuyen

Lê Xuyên Chú Tư Cầu

Giữa Sài Gòn dâu biển tang thương
Vỉa hè Bà Hạt thuốc lá lẻ.
Nguyệt Ðồng Xoài cùng Vợ Thầy Hương
Bỏ Rặng Trâm Bầu, sang Mỹ, lấy Mỹ.
Cu ky trong Vùng Bão Lửa
Chú Tư Cầu đi đâu, về đâu?

Từ 1960 với tác phẩm tiểu thuyết đầu tay Chú Tư Cầu thành công, nổi tiếng ngay, Lê Xuyên viết thật đều, thật nhiều, tiểu thuyết được in thành sách cũng thật nhiều. Trong bài thơ có tên nhũng tiểu thuyết cỉa Lê Xuyên được tái bản ở Hoa Kỳ: Nguyệt Ðồng Xoài, Vợ Thầy Hương, Rặng Trâm Bầu, Vùng Bão Lửa.

Sau năm 1975, qua 20 mùa Sài Gòn mưa nắng, ngồi bán thuốc lá lẻ trên vỉa hè đường Bà Hạt-Ngô Quyền, từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm, Chú Tư Cầu Lê Xuyên giã từ dương thế năm 2002. Ảnh chụp khoảng một năm trứơc ngày Lê Xuyên ra đi.
—–

trinhcongson

Vô đề, Vô danh, Vô lọai

Vạc bay rã cánh cuối trời
Diễm Xưa chẳng trọn một đời thủy chung.
Ðá buồn, biển nhớ mịt mùng
Âm cung tiếng phản, tiếng thùng. Thế thôi!
-/-
.
vuhoangchuong

VŨ HOÀNG CHƯƠNG

Một mảnh hồng tiên trĩu ngón tay
Hương mùa thu mất ngậm ngùi bay.
Anh vẫn Hoàng Chương vàng với ngọc,
Trần ai nào lấm được trời mây.
Người về ngôi cũ, Thơ trầm Nhạc
Tàn lửa hồng hoang, khói Mái Tây.
Cười vang một tiếng, tan tinh đẩu
Sáu cửa luân hồi nhẹ cánh bay.
 
 
Bị bắt tù Tháng Ba năm 1976, đến Tháng 10, 1976 Thi Bá Vũ Hoàng Chương được trở về nhà ở Khánh Hội, Thi Bá qua đời chừng sáu, bẩy ngày sau khi về nhà.
.
.
—–

buigiang

Bùi Giáng

Lá cồn hay lá hoa cồn?
Tồn liên tồn vẫn liên tồn bấy lâu.
Hỏi Quê, rằng biển xanh dâu.
Hỏi Thơ, rằng mộng ban đầu vấn vương.
Em về rũ yếm mù sương
Ngàn năm châu chấu vẫn thương cào cào.
Mân-rô ơi, có đêm nào
Mồ anh em hé Ðộng Ðào suối tuôn.
Lá cồn hoa cũng lên cồn
Mười hai con mắt liên tồn mười hai.

Nghe nói Tập Thơ LÁ HOA CỒN của Bùi Giáng xuất bản năm 1968 được Thi Sĩ tác giả đặt tên là LÁ CỒN. Quí vị biên tập trong nhà Xuất Bản – tôi không nhớ là Nhà An Tiêm hay Nhà Lá Bối – thấy cái tên LÁ CỒN.. kỳ kỳ sao đó nên đổi là LÁ HOA CỒN. Từ 1970 đến nay không thấy LÁ HOA CỒN được tái bản. Hơn 40 mùa thu xưa tôi đọc LÁ HOA CỒN, thấy câu Thi sĩ kể trong một đêm mà:

Cồn lê lên miệng đến hai, ba lần…

Tôi nghĩ: Một đêm cồn lê lên miệng hai lần may ra còn sống được, một đêm mà cồn lê lên miệng đến ba lần..! Chắc chết quá!

Một trong số hai, ba Giai Nhân đương thời được Thi sĩ ca tụng nhan sắc và tỏ tình yêu là Cô Ðào Marilyn Monroe. Thi sĩ từng ước mơ sau khi ông chết, ông sẽ cảm động lắm nếu ông được Người Ðẹp Marilyn Monroe đến đái trên mồ ông.

Năm 1970 Chủ nhiệm nhật báo SỐNG Chu Tử mời Thi sĩ Bùi Giáng viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông đăng mỗi ngày trên Nhật Báo Sống. Tôi không nhớ tên truyện, chỉ nhớ Tiểu Thuyết Gia Bùi Giáng viết lọai truyện võ hiệp Trung Hoa, các đại hiệp, nữ hiệp thi triển võ công, đánh kiếm..vv.. Trong truyện ông cho nam nữ nhân vật nói đi, nói lại rất nhiều lần những tiếng“liên tồn, tồn liên.” Truyện của ông gần như ngày nào, trang nào cũng có hai tiếng ấy. Như:

Làn môi hồng của nàng nở nụ cười tồn liên.
Nàng thu kiếm lại, chắp tay, dịu dàng nói:

– Cám ơn Ðại hiệp đã có nhã ý liên tồn.

Sau cuộc biển dâu, Thơ Bùi Giáng vẫn có những tiếng “liên tồn, tồn liên” không khác gì Thơ Bùi Giáng Lá Hoa Cồn trước 1975. Ðây là vài câu trích trong thi phẩm Mười Hai Con Mắt, xuất bản năm 2000:

Chuyện Chiêm bao, Mười Hai Con Mắt.
Mộng ảo liên tồn vô mịch xứ
Phù du liêu lạc khởi năng kiêu.
Ðêm nằm thao thức tới bình minh
Nửa khóc, nửa cười quỉ hóa tinh.
Ú ớ liên tồn vi diệu ngữ
Ậm ừ tục tiếp quái quỉ thanh.

Gặp Em
Gặp Em ngồi tựa gốc cây
Hỏi Em có biết chiều nay mấy giờ
Mưa nguồn đổ xuống trang thơ
Lá hoa cồn lũng bất ngờ chịu chơi…
—–

nguyenmanhcon

NGUYỄN MẠNH CÔN

Lính Nhẩy Dù lâm nạn ba người,
Nhà Văn lâm nạn một mình thôi.
Sông Rây nước chẩy, mây trôi.
Nhớ về Xuyên Mộc, bồi hồi thương Anh.

Nhà Văn Nguyễn Mạnh Côn viết những tác phẩm Ba Người Lính Nhẩy Dù Lâm Nạn, Ðem Tâm Tình Viết Lịch Sử, Kỳ Hoa Tử, Tình Cao Thượng, Mối Tình Mầu Hoa Ðào, Hòa Bình.. Nghĩ gì, Làm gì? Tháng Ba năm 1976 ông bị bọn Công An Cộng Sản Thành Hồ bắt giam. Năm 1979 ở Trại Tù Khổ Sai Xuyên Mộc, Nhà Văn tuyệt thực phản đối việc ông bị cầm tù quá lâu. Bọn Cai Tù Xuyên Mộc không cho ông uống nước, Nhà Văn chết thảm trong trại tù Xuyên Mộc.

Sông Rây chẩy qua vùng rừng bao quanh Trại Tù Khổ Sai Xuyên Mộc, Bà Rịa. Người Tù Xuyên Mộc những năm 1978, 1979 có câu:

Bao giờ Rừng Thác hết cây
Sông Rây hết nước thì đây mới về.

Cùng sống và chịu cực khổ với Nhà Văn Nguyễn Mạnh Công ở Trại Tù Xuyên Mộc những năm 1978, 1979 là Duyên Anh, Ðằng Giao, Hồ Hữu Tường. Năm 1983 gặp lại nhau sau những ngày tù tội, Duyên Anh đọc cho tôi nghe câu “..Sông Rây hết nước..” Tôi không nhớ đúng tên Rừng trong câu thơ. Có thể không phải là Rừng Thác.

Bao giờ Rừng Thác hết cây,
Sông Rây hết nước thì đây mới về.
—–

duonghungcuong

Dương Hùng Cường

Chém cha bọn Cộng trâu bò
Cà Kê Dê Ngỗng nó cũng cho đi tù.
Phi trường đèn tắt, điện lu
Lái Thiêu Dê Húc, Ðạo Cù Paris.

Dương Hùng Cường, bút hiệu Dê Húc Càn, một thời giữ mục Cà Kê Dê Ngỗng trên Tuần báo CON ONG. Là sĩ quan, Dương Hùng Cường đi tù khổ sai đến năm 1979. Năm 1980 DH Cường liên lạc được với Trung Tá Không Quân Trần Tam Tiệp ở Paris. Trước năm 1975 TTTiệp thường có Thơ Khôi Hài đăng trên Tuần báo CON ONG với bút hiệu Ðạo Cù. Khi ấy ông họat động trong Hội Văn Bút Quốc Tế, ông làm được nhiều việc giúp đỡ một số văn nghệ sĩ ở Sài Gòn cả về tinh thần và vật chất.

Năm 1984 Dương Hùng Cường bị bắt vì tội “viết bài gửi ra nước ngoài”. Năm 1986 Cường chết trong một sà-lim ở Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu, Sài Gòn. Bị nhốt một mình trong sà-lim, Cường chết trong đêm. Bọn Công An Thành Hồ đưa xác Cường về Nhà Xác Nhà Tù Chí Hòa cho bọn gọi là bọn Pháp Y Sĩ mổ xẻ tanh banh, rồi gọi vợ con Cường đến Nhà Xác Chí Hòa nhìn mặt Cường lần cuối, chúng không cho đem xac Cường về nhà mà cho ngay vào quan tài, cho xe của Nhà Tù đưa lên chôn ở một nghĩa trang trên Lái Thiêu.

Một trong những tác phẩm Dương Hùng Cường để lại đời là BUỒN VUI PHI TRƯỜNG viết về cuộc sống của những người lính Không Quân ở những phi trường quân sự.

Ðạo Cù Trần Tam Tiệp, bị bại liệt, đã từ trần ở Paris.
—–

hoangvinhloc

Đạo diễn HOÀNG VĨNH LỘC

Người Tình mất hết chân tay
Trái tim Hoàng gửi nơi này quê hương.
Sài Gòn Bến Cũ mù sương
Nhớ ơi Vĩnh Lộc trên đường Bô Na.

Hoàng Vĩnh Lộc bị bắt Tháng Ba năm 1976 trong đợt bọn Công An Cộng Sản bắt tù những văn nghệ sĩ Sài Gòn. HV Lộc bị tù ở Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu. Trong số những bộ phim Hoàng Vĩnh Lộc làm đạo diễn có hai phim nổi tiếng là NGƯỜI TÌNH KHÔNG CHÂN DUNG, XIN NHẬN NƠI NÀY LÀ QUÊ HƯƠNG. Trở về nhà ở Phú Nhuận, HV Lộc từ trần trong sầu muộn năm 1981.

Vào lúc gần tối một ngày mùa mưa tôi đến nhà Hoàng Vĩnh Lộc chào anh lần cuối. Hôm nay khi viết những dòng chữ này, tôi thấy ẩn hiện những hình, những ảnh buổi chiều gần tối năm xưa, tôi ngồi dưới tấm bạt căng trên bãi cỏ trứơc nhà làm chỗ tiếp khách đến viếng tang, nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên tấm bạt, nhìn vào căn nhà nhỏ thấy quan tài của anh với mấy ngọn nến nhỏ leo lét.

Tôi nhìn thấy Hoàng Vĩnh Lộc lần đầu vào một buổi chiều năm 1952. Lúc ba, bốn giờ chiều, nắng vừa dìu dịu, tôi đứng trên vỉa hè đường Bô-na, trước Hàng Ăn Kim Hoa, cạnh rạp Xi-nê Casino de Saigon, thấy Hoàng Vĩnh Lộc đến trên chiếc xe Peugeot Mui Trần, thường được gọi là xe Peugeot 203 Decapotable. Chiều ấy HV Lộc bận toàn đồ trắng, chiếc xe anh đi cũng mầu trắng. Năm 1952 HV Lộc đóng vai chính trong phim BẾN CŨ, phim mầu, của AnPha Thái Thúc Nha. Phim chưa chiếu, anh đã được coi là một jeune premier của Ðiện Ảnh Sài Gòn.

Tôi nhớ mãi hình ảnh ấy của Hoàng Vĩnh Lộc buổi chiều nắng vàng năm 1952 trên đường Bô-na; đã 60 mùa thu lá bay, tôi vẫn nhớ. Năm xưa ấy trên đường Bô-na, Sài Gòn, Hoàng Vĩnh Lộc 30 tuổi, tôi 20.
—–

hieuchan

Nhà văn HIẾU CHÂN NGUYỄN HOẠT

Trăng Nước Ðồng Nai vui Tỵ Bái
Chí Hòa lao ngục thở hơi tàn.
La Khê Công Tử Hiếu Chân
Nói hay Ðừng vẳng cung đàn Liêu Trai.

Những năm 1956, 1957, Nhà Văn Nguyễn Họat viết truyện dàiTRĂNG NƯỚC ÐỒNG NAI trên Nhật báo TỰ DO. Sau đó anh viết truyệnTỵ Bái, dịch truyện LIÊU TRAI, giữ mục Nói hay Ðừng trên Nhật báo TỰ DO. Anh bị bắt cùng với các văn nghệ sĩ Doãn Quốc Sĩ, Dương Hùng Cường, Duy Trác và bị khép vào cùng một nhóm gọi là nhóm Biệt Kích Cầm Bút. Anh từ trần trong đêm ở Nhà Tù Chí Hòa năm 1988.

Quê ngọai của anh Nguyễn Họat ở làng La Khê ngay bên thị xã Hà Ðông. Có năm anh dậy học ở Trường Tư Thục Tự Ðức trong thị xã, tôi là học trò của anh.
—–

phamthienthu

Phạm Thiên Thư

Ai về hỏi Phạm Thiên Thư
Ngày xưa Hoàng Thị bây chừ ở đâu?
Ðộng Hoa Vàng có tên nhau
Sao nhau tình nghĩa qua cầu gió bay?
Hẹn nhau tròn cuộc nhau này
Sao nhau cánh dzế chồn lây đổi mầu?
Ðã buồn Từ Thức lấm đầu,
Lại thương Hoàng Thị về đâu bây giờ?

Những năm 1980, Phạm Thiên Thư làm thơ Chào Mừng Sinh Nhật Hồ Chủ Tịch. Ông làm nhiều Thơ ca tụng cuộc sống trong sáng của nhân dân trong chế độ xã hội chủ nghĩa và gọi loai Thơ này là Thơ Hồng.
hoanghaithuy

Tuesday, April 12, 2016

Ta đợi em

Tháng tư ... Buồn.

Ta đợi em hơn 40 năm
Nhọc nhằn đời vong quốc
Mẹ đợi em mõi mòn, khô nước mắt
Chị đợi em, đánh mất tuổi xuân thì
Đàn trẻ thơ từ lâu mất thơ ngây
Và đất nước thành nhà tù vĩ đại

Xưa 
Cha đàn, 
Mẹ hát
Đàn trẻ con đùa giởn dưới ánh trăng
Lúa lên bông thơm ngát, 
Mộng đến thật gần
Cuộc sống an lành
Cả miền Nam là một bức tranh.

Quê tôi, 
Biển hoà nhịp sống
Thuyền ai chở đầy yêu thương ?
Cát vàng reo vui, hớn hở
Đẹp sao trong tình quê hương !

Lối mòn vun đầy kỷ niệm
Bụi tre khúc khích bên đường
Tiếng súng nổ ran đâu đó
Lòng người chỉ có tình thương

Trường xưa, trẻ thơ vui đùa
Như đời không vướng sầu lo
Vô tư hái hoa, bắt bướm
Ép vào tập vở học trò.

Dân tôi muốn ăn thì ăn
Dân tôi muốn nói thì nói
Cũng một đời lam lũ
Ai cũng đầy niềm vui.

Ngày nay:

Vẫn bụi tre ven đường
Tiếng buồn bay muôn phương
Biển than đời cô quạnh
Gió cát cũng sầu vương

Trẻ thơ mất thơ ngây
Bỏ trường đi vào cuộc sống
Lọc lừa kiếm từng miếng ăn
Đời là những ngày vô vọng

Dân cũng đời lam lũ
Muốn ăn, không đủ ăn
Muốn nói, không được nói
Đời như bão nổi - lênh đênh

Bao giờ là mùa Xuân?
Sao em chưa chịu về ?
Bốn mươi mốt năm tan tác.
Bốn mươi mốt năm cơ đồ rách nát
Bốn mươi mốt năm đầy âu lo
Tự Do ơi Tự Do.

TL 4/2016

Friday, March 4, 2016

NHẠC LÒNG MUÔN THUỞ

Có một thoáng mênh mông trong đêm vắng
khi lòng chợt bâng khuâng đến không ngờ
Vì người xưa nay xa lắc, xa lơ
Hay đời cạn theo từng mùa ...tan tác?!

Nỗi nhớ, niềm thương gửi qua tiếng hát
Mảnh hương nguyền còn thắm một trời thơ
Dù xa xăm không mắt đợi, môi chờ
vẫn ấm cõi tình hồng trong ký ức.

Dường như Em chập chờn trong tiềm thức
trên phố phường đã đổi dạng, thay tên
Dõi mắt buồn theo vũng tối xuyên đêm
khi nhớ quá Sàigòn " muôn năm cũ "!


Trăn trở với canh tàn đêm không ngủ
bởi dòng tim cuồn cuộn tháng năm tình
Hồng nhan ơi! Đây bát ngát hương kinh
hòa nguyện ước trao Em mùa cứu độ.

Như chưa từng xa khung trời Đắc Lộ
Bình minh còn vang vọng tiếng Rạng Đông
Cánh thiên di dù trải mấy tang bồng
vẫn ấp ủ hương xưa và kỷ niệm.

Giọng hát Em cùng những lời kinh nguyện
vẫn râm rang trong ký ức đậm màu
Em, Đắc Lộ và Sàigòn... vĩnh viễn
là nhạc lòng muôn thuở quyện hồn nhau.

HUY VĂN
( Để nhớ:
 Trung Tâm Đắc Lộ và ca đoàn Rạng Đông
 LM Joseph Đỗ Quang Chính R.I.P
 và Marie Thérèse Nguyễn Thị Bạch Yến R.I.P )