Sunday, November 6, 2016

Cám ơn. David. - Nhật Tân PBC72

Bà Kate lui cui tìm chìa khóa. Một tay cầm hộp bánh King cake, tay kia thò sâu trong túi xách. Cái túi da mầu nâu đeo trên vai như nghiêng hẳn một bên với lỉnh kỉnh giấy tờ, bánh kẹo mang về từ lớp học. Khó khăn lắm, ngón tay của bà mới chạm trúng hơi lạnh của chùm chìa khóa.  Ổ khóa đã cũ, mỗi khi mở, phải xoay mạnh tới hai lần. Tay bà càng ngày càng yếu, lóng cóng vụng về, đôi khi cầm đâu tuột đó, nên mỗi khi mở cửa nhà, bà lại giận thằng James. Cuối tuần dẫn vợ con về , à ới má má con con là chúi đầu coi phim, ăn uống chơi game, sau khi bày một nhà chén bát.( Con vợ nó cũng tệ, không hề muốn lê la cạnh bồn rửa chén vì sợ gãy móng tay giả đắp bột dài thượt của nó) Thằng James, chơi chán chê rồi leo lên xe, chở vợ con dông mất. Nó không hề nhớ coi lại ổ khóa cho bà.
Nó làm biếng nhưng khéo nói, nên trước sau, bà chưa thể, hoặc không muốn cằn nhằn thêm.  Dù sao, bà vẫn thích nghe tiếng con cháu chạy nhảy, la hét inh ỏi vào cuối tuần hơn là cùng con mèo ngồi sưởi nắng trước thềm, rồi thấp thỏm dỏng tai chờ nghe tiếng xe máy nổ xình xịch trước sân.
Càng về già, người ta càng nhỏ bé trước con cái.
Con mèo nhảy xổ tới, âu yếm liếm giầy của bà. Nó là sinh vật duy nhất trong nhà thật sự mừng rỡ khi bà về tới nhà. Hơi khó nhọc khi cúi xuống, bà ve vuốt bộ lông mượt mà của nó. Bà ôm nó lâu hơn thường lệ và tận hưởng một cách thích thú, cảm giác ấm áp từ thân thể mềm mại đang cựa quậy trong tay.
“Thế nào, Cola. Chắc mày đói rồi. Lại đây nào con.”
Bà vừa mở hộp thức ăn cho mèo, vừa lẩm bẩm.” Mày phải diet thôi. Mày mập quá rồi. “ Nghĩ đến gian hàng thức ăn ở chợ Pet Mart, bà chưa biết chọn loại diet nào, nhiều loại quá, cái nào cũng quảng cáo bắt mắt, nhưng chưa chắc con Cola  thích thú. Nó kén chọn thức ăn. Đánh hơi thức ăn mới, nó thường ngọ nguậy cái mõm hồng hồng rồi ỏng ẹo làm bộ bỏ đi. Mua xong, có khi lại mất công năn nỉ thằng James mang đổi dùm. 
Nhưng lạ lắm. Con vợ nó ghét mèo một cách ngạc nhiên.
Xong xuôi phần mèo, bà xoa tay quay sang nhìn hộp King cake. Ánh sáng từ ngọn đèn bóng nhỏ, chiếu xuống mặt bàn trải khăn trắng những đốm hoa văn mầu tím nhạt mang vẻ buồn buồn lẫn ảm đạm, như chính bản thân nó muốn nghỉ ngơi sau khi làm việc quá nhiều năm. Trên bàn, duy nhất một bộ đĩa ăn, một chùm nho và vài quả táo lọt thỏm trong đĩa trái cây. Ăn trưa ở trường học nên buổi tối, thường bà chỉ hâm lại soup khoai tây hoặc gumbo cùng vài lát sandwich mỏng.
Bà xê dịch hộp bánh ngay ngắn vào chính giữa bàn. Ngọn đèn như sáng hơn và đốm hoa văn khi nãy biến mất. Ánh sáng từ nền hoa tím vạch những nét ngoằn nghèo vui mắt như con cờ điện tử. Một vài vệt lốm đốm nâu sậm chạy theo mép bàn và bà tự hỏi. Có phải vết dầu hay đại loại thức ăn nào đó, hoặc đám con thằng James bôi quẹt lên bàn , hay là thằng James không chừng. Thằng đó, chẳng thà bôi tay bẩn dưới mép gầm bàn còn hơn phải với tay lấy miếng napkin. 
Vậy mà làm bố của hai đứa nhóc cơ đấy
Bà ngước mắt .Trên tường đối diện bàn ăn, ông John đang nhìn bà. Trong ảnh , mắt ông lấp lánh với miệng cười hóm hỉnh , sống động như ông chưa hề rời khỏi , hệt như ông vẫn đang tồn tại trong căn nhà mà họ đã có cùng nhau những tháng năm hạnh phúc. Kia, ông đang cười, mắt hấp háy theo thói quen: " Ăn vậy thôi à , bà nó ơi"
."Ông ăn bánh nhé. King cake mùi quế mà ông thích đấy" Bà thầm thì.

Cái bánh mới hấp dẫn làm sao. Lớp mặt bánh phủ mầu xanh lá cây non chạy viền cam hồng phơn phớt đỏ. Người ta còn vẩy thêm một lớp nhũ kem nhìn óng ánh như kim tuyến.
Đường kem dày, mỏng, nở đầy đặn, là những cánh hoa xếp xen kẻ với lá dương xỉ. Cái bánh tròn trịa , duyên dáng đến nổi bà không nỡ cắt rời ."Nhìn ngon quá. Ông John nhỉ. Tôi phải để dành cho vợ chồng thằng James, cuối tuần nầy con bé Bailey cũng về. Dạo nầy con bé mập hơn, ông ạ. Đáng ra nó không được ăn bánh ngọt, mẹ nó phải lo diet cho nó,nhưng khổ nỗi, càng lớn nhìn càng giống con vợ thằng James, như một khuôn đúc ra ấy, chỉ thích phát triển bề ngang..Khổ thân con bé.. Nhưng mà..một miếng bánh nhỏ chắc không đến nỗi..” Bà ngẫm nghĩ " Nào, chàng trai. Ông muốn thử một miếng không? " 
Bà vừa độc thoại với ông vừa đi về phía bếp tìm dao.
Không thấy dao ở hộc tủ ngang tầm tay, bà mầy mò bên phải, bên trái rồi mở cánh tủ trên cao "Tôi vẫn để đám dao ở đây kia mà. Chắc tụi nhỏ mang vất đâu rồi. " Bà khom lưng kéo lê chiếc ghế về phía giàn bếp "Ông biết mà, hai chân của tôi là một trở ngại lớn. Mỗi năm  mỗi đau nhức nhiều hơn. Khi đến tuổi già, cái bịnh phong thấp hình như không chừa ai.. Mỗi ngày, tôi phải nốc quá nhiều thuốc. Tôi chán lão bác sĩ Grey với cái phòng mạch lúc nào cũng nhai đi nhai lại bài hát “ You’re so beautiful..” Beutiful gì chứ ? Có những bài hát khi mình già đi, âm điệu nó trở nên vô duyên khủng khiếp ông ạ. Vậy mà lão Grey nghe mỗi ngày không chán. Tôi chắc chắn tai lão ấy có vấn đề lớn. Ông John, tôi e là mình không thể tiếp tục đi dạy hoc nữa"
Bà mệt mỏi ngồi dựa vào bếp,
đưa  bàn tay phải bóp qua tay trái, từ cườm tay dần lên vai. Nhìn lớp da nổi gân xanh nhăn nheo, bà tiếp tục lẩm bẩm với ông "Nhưng nếu không tìm việc gì đó để giết thời gian, chắc tôi sẽ chết dần chết mòn trong căn nhà nầy mất thôi.Tôi biết, mình đã bắt đầu lẩm cẩm, nói nhiều, không đầu không đuôi, chắc ông chán lắm, nhưng nếu tôi không than thở với ông thì tôi biết nói cùng ai. Ông biết đấy, ông John, tôi đã quá già để phải đi làm. Tôi đã bảy mươi lăm rồi. Ông có nhớ tôi đã bảy mươi lăm rồi không ?
Nghĩ xem, nếu tôi phải ở nhà suốt ngày với con Cola , chắc tôi chết khô mà chẳng ai biết "
Bà phẩy tay " Ông là lão già hư đốn. Ông chẳng biết gì hết"
Bà cho con mèo vài muỗng canh soup và hài lòng khi nó meo meo muốn đòi ăn. Cái mũi nó mới ngộ nghĩnh làm sao. Mắt xinh chẳng kém. Đen thui, tròn xoe, ranh mãnh. Lúc ông mất thì Cola còn bé xíu nên chắc gì còn nhớ ông. Không riêng gì nó, những người bạn thân thiết của ông dường như cũng đã quên ông. Người già, nếu không thường nhớ về quá khứ thì chỉ nhớ những điều vặt vãnh. Và khi đến giai đoạn vào Nursing home thì ký ức chắc sẽ thu nhỏ chỉ bằng hạt đậu. Hạt đậu giữa bốn bức tường và một chút xíu khoảng sáng từ cửa sổ.” “Không biết khi nào tôi gặp ông, và gặp ông bằng cách nào. Tôi luôn tự hỏi mình như vậy. Đôi khi , thú thật có chút sợ hãi. Ông john. Nhưng tôi thà ở một mình còn hơn rúm ró trong bốn bức tường chút xíu ánh sáng giam hãm cái hạt đậu ấy.’
Bà cầm túi xách đi lại gần tấm hình của ông, nhìn ông cười vẻ bí hiểm.
"Quà đặc biệt của tôi đấy, ông John" Bà lôi ra một cái khăn choàng cổ bằng len mới tinh, đường len sắc sảo mầu đỏ đậm phơn phớt chỉ hồng. Nét hoa văn cầu kỳ ở đầu khăn mà bà quả quyết , phải có bàn tay cực kỳ khéo léo mới có thể dệt được như vậy" Ông John, ông đã từng thấy cái khăn nào đẹp như vậy chưa " Bà ướm vào cổ "Đẹp quá, ông John nhỉ, của David tặng tôi đấy". " Ông hỏi David là ai à. Không phải cái lão David sửa xe mà mặt mũi lúc nào cũng cau có như vỏ xì lốp đâu nhé. Chàng trai nầy là bạn cùng trường với tôi ấy mà "
Bà nghĩ ngợi. Nói sao nhỉ...

Đó là người đàn ông Á châu, chuyển về công tác ở trường bà gần hai năm nay. David là người bạn nhỏ, thân, rất thân với bà. Bà có thiện cảm với anh ngay từ ngày đầu tiên khi bà gặp anh ở văn phòng. " Tôi họ Nguyễn, nhưng bà có thể gọi tôi là David, tôi dùng nick name này để mọi người dễ dàng gọi trong công việc”
 Anh khiêm tốn, chân thật và đáng tin cậy. Không riêng bà, giáo viên ở trường ai cũng yêu quí anh. Bà thương cái dáng lầm lũi của anh khi băng qua dãy hành lang dài, thương cái giọng nói vừa chậm rãi vừa từ tốn. Anh có thể kiên nhẫn nghe bà kể chuyện đầu cua tai nheo mà ở trường , bà vốn là người thích kể lể. " David hồi ở Việt nam cũng đi lính như ông đấy, ông John”.

Ông John đi lính Mỹ qua Việt nam từ thập niên bảy mươi , nhưng chỉ hai năm sau, ông được giải ngũ vì bị thương.
Ông ít khi kể cho bà nghe về cuộc chiến ông đã trải qua, 
Hầu như ông không hề nhắc về khoảng thời gian ở Việt nam, và có vẻ như ông không hãnh diện vì mình từng góp phần cùng nước Mỹ, một cách gián tiếp bảo vệ lý tưởng tự do cho các nước đồng minh. Có một cái gì lấn cấn trong cuộc chiến tranh đó. Sự bỏ chạy của quân đội Hoa kỳ, sự tính toán hơn thiệt trong chính quyền và họ bắt tay nhau để bọn Bắc việt chiếm miền Nam ? Bà không biết nhiều về cuộc chiến đã xảy ra, nhưng bà đoan chắc một điều, đất nước của David, những đồng bào chiến hữu của anh xứng đáng phải được bảo vệ, giúp đỡ, qua tư cách của anh
.
“Ông đánh nhau với Cộng sản nhưng ông có biết chúng tàn ác như thế nào không . Cái bọn miền Bắc ấy." Ngón tay của bà ve vuốt tấm ảnh của ông " Không giống như Civil War của mình đâu ông ạ. Khi Nam quân thua Bắc quân, hai bên, dù đối lập nhau về đường lối, và vô số những hậu quả sau chiến tranh, nhưng tựu chung, chúng ta vẫn ngồi lại tìm cách hàn gắn, tìm tiếng nói chung để cùng phát triển đất nước. Còn bọn Cộng sản, khi chiếm miền Nam, ngoài việc vơ vét của cải, phá hoại những công trình kiến trúc ở miền Nam, chúng bắt tất cả quân nhân miền Nam đi ở tù, hành hạ dã man để họ chết dần chết mòn bởi bịnh tật, đói khát. Còn những người dân, họ chết nhiều vô kể trên đường chạy trốn. Đó là tội ác man rợ trong chiến tranh đấy, ông ạ."
Bà choàng chiếc khăn quanh cổ. Mùi len mới thơm nhẹ thoáng qua mũi thật dễ chịu. Chiếc khăn mầu đỏ làm gương mặt bà như sáng hơn, bớt ủ dột hơn. Bà nhớ khi chiều, khi cầm chiếc khăn, David dặn bà phải nhớ choàng khăn khi ra đường, nhất là những ngày khí hậu đột ngột thay đổi." Bà đã lớn tuổi rồi, rất dễ ốm " Khi bàn tay anh ân cần vỗ nhè nhẹ sau lưng, sóng mũi bà cay cay, Có điều gì êm ả chợt chảy qua huyết quản, đó là sự chăm sóc thân tình mà rất lâu bà không nhận được từ người nào khác, ngoài người chồng quá cố.

Khi ta già đi, những giây thần kinh cảm giác trở nên nhạy bén hơn, yếu đuối hơn, nhất là khi ta quá cô đơn .
Mỗi chiều, ở chỗ chờ xe bus đón học sinh, bà thường chuyện trò cùng anh. Và cũng mỗi ngày một ít, bà biết thêm nhiều về chiến tranh Việt nam, về cuộc sống của anh. “ Bà hỏi tôi có thích nước Mỹ không ư? Nếu trả lời thành thật , tôi có thể nói rằng, tôi không thích ở đây. Mặc dù chúng tôi luôn cám ơn nước Mỹ đã cho chúng tôi cơ hội tạo dựng một đời sống mới, các con tôi được học hành trong môi trường tốt nhất, và quan trọng hơn, đó là tự do. Tự do là lý tưởng mà chúng tôi đã chiến đấu, đã hy sinh  để bảo vệ nó. Nhưng chúng tôi  đã thua cuộc. Đau xót lắm, bà ạ. Ai cũng có một quê hương để nhớ, tôi cũng vậy, nhưng chúng tôi thật sự đã mất quê hương từ năm 1975 "
"Vậy, khi Cộng sản sụp đổ, anh có về lại Việt nam không ?"

“Chắc chắn rồi. Chúng tôi ai cũng khao khát điều đó, nhưng, chắc đời của chúng tôi không kịp về đâu, bà ạ"

Bà thấy hình ảnh gia đình của anh, vợ con anh quây quần bên lò sưởi mở quà Giáng sinh. Những ngọn lửa ấm áp nhảy múa trong đôi mắt của họ. Lửa chan chứa yêu thương. Quen biết David. Căn cứ mầu da và ánh mắt , bà có thể phân biệt người Tầu, người Phillipin, người Korea, người Japan, bà biết thêm về đời sống của những người tị nạn, những khó khăn của họ trong thời gian đầu định cư tại Hoa kỳ. Họ làm lại từ đầu bằng nghị lực và nhẫn nại. Như con kiến mỗi ngày cặm cụi tha thức ăn về tổ, tích lũy dần cho đàn kiến con..  “Nhưng ông John à, đa số họ thành công, bởi vì họ có một nền giáo dục gia đình rất tốt, đáng để mình học hỏi"
David cho bà coi những tấm hình mà bạn của anh về Việt nam vào tận trong những miền núi phát thực phẩm, thức ăn cho trẻ nhỏ. Những đứa trẻ măt mũi lem luốc, chân gầy nhom đen đủi , quanh đời đi chân đất. Những đứa trẻ suốt đời chỉ quanh quẩn trong vùng núi non lạnh lẽo mà chắc chưa hề có khái niệm gi về tương lai phía trước.
Bà không thể tưởng tượng đâu đó ngoài thế giới bà đang sống có những phận đời sống khốn khổ như vậy.
Ở đây, ngay chính ngôi trường bà đang dạy, thừa mứa thức ăn, cuối bữa, bánh mì, sữa, trái cây, kem, chuối..bọn học trò bỏ lại la liệt, chất đầy bốn, năm thùng rác to mà chỉ có sức đàn ông mới kéo nỗi. Số lượng thức ăn vất đi đó, có thể nuôi sống hàng bao nhiêu kẻ đói khổ "Thế đấy, ông John ạ, rồi Chúa sẽ phạt chúng ta cho xem"
Con mèo nhảy thót vào lòng bà, cạ mõm nũng nịu như tìm hơi ấm từ những ngón  tay già nua  "Ngoan nào, Cola. Tao đang nghĩ, có nên để dành bánh cho thằng James hay tao ăn trước một miếng đây."

Và nhìn ảnh của ông bà nháy mắt " Ông nghĩ sao, ông John, một miếng nhé"
Bà nhẹ nhàng mở hộp. Cái bánh King cake mầu xanh lá cây với mùi  hương quế nằm gọn ghẽ trước mắt . Cái bánh đầu tiên bà nhận được của người bạn nhỏ đến từ vùng châu Á nào xa lơ xa lắc mà trước giờ bà không hề quan tâm đến. Nó chỉ như một điểm trên bản đồ rộng lớn, một cái dấu phẩy mờ nhạt lẻ loi trong hàng triệu cái chấm khác khi ta nhìn qua quả địa cầu. Bây giờ, bà đã biết cái dấp phẩy ấy nằm ở vĩ độ, trung độ nào. Nó cong queo, gầy nhom, teo tóp, như một người ốm o đang lặc lè è cổ gánh lấy một dãy đất đồ sộ Trung hoa phía trên. Nó được bao bọc bởi bao la đại dương. Bà cảm thấy gần gũi đất nước nhỏ bé khốn khổ kia như yêu mến chính người bạn nhỏ Á châu, có trái tim chân thật, vô vàn tử tế. 
Bà từ tốn cắt bánh. Khéo léo đặt ra đĩa miếng bánh nhỏ hình tam giác , miếng bánh huơng quế nâu viền xanh đậm lá hớn hở với  lớp nhân giữa đậu xanh ứa mật vàng óng.
Bà thì thầm " Mời ông. John" Và dịu dàng " Cám ơn. David"